Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Tình hình Kinh tế - Xã hội Năm 2020
19/02/2021 9:10:36 SA       5410  Lượt xem
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010, ước thực hiện năm 2020 đạt 29.423,07 tỷ đồng, tăng 3,80% so với năm 2019...
Năm 2020, triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 số 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 10/01/2020 về việc ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 về việc ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020 và định hướng đến năm 2021; trong đó, bám sát phương châm hành động của Chính phủ là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Tuy nhiên, với tác động của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới, cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước đã xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình. Kết quả đạt được cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
I/ Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010, ước thực hiện năm 2020 đạt 29.423,07 tỷ đồng, tăng 3,80% so với năm 2019. Trong đó: Khu vực nông lâm thuỷ sản 6.387,23 tỷ đồng, tăng 4,33%, đóng góp 1,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp xây dựng 12.688,72 tỷ đồng, tăng 4,21% đóng góp 1,81 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Khu vực dịch vụ 8.831,71 tỷ đồng, tăng 2,55% đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm  1.515,42 tỷ đồng, tăng 5,59%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
 
II/Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và các khoản nợ đến hạn.
1. Tài chính
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 12/2020, ước thực hiện 1.062.256 triệu đồng, đạt 21% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Thu ngân sách Nhà nước cả năm ước thực hiện 4.512.209 triệu đồng, trong đó thu nội địa là 4.222.209 triệu đồng, bằng 99% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 88% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất nhập khẩu ước đạt 290.000 triệu đồng, bằng 161% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 132% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Thu ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm 2020 đạt 14.493.714 triệu đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và 112% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, trong đó: Thu điều tiết được hưởng theo phân cấp ước đạt 3.960.427 triệu đồng; thu bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương ước đạt 5.525.218 triệu đồng; thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương ước đạt 2.955.079 triệu đồng; thu chuyển nguồn ước đạt 1.864.005 triệu đồng; thu kết dư ước đạt 120.910 triệu đồng; bội thu ngân sách địa phương ước đạt 61.155 triệu đồng; thu ngân sách cấp dưới nộp lên ước đạt 6.920 triệu đồng.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm 2020 đạt 14.401.641 triệu đồng, bằng 115% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 111% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 2.149.126 triệu đồng, bằng 96% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao; chi thường xuyên ước thực hiện 8.072.475 triệu đồng, bằng 103% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương ước thực hiện 4.126.071 triệu đồng, bằng 178% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
    2. Ngân hàng
    Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất; đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn, cho vay các chương trình ưu tiên. Tổng nguồn vốn huy động đến ngày 30/11/2020 đạt 28.641 tỷ đồng, tăng 9%; ước thực hiện đến 31/12/2020 tăng 10,5% so với 31/12/2019. Trong đó: Vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư 30/11/2020 ước đạt 21.235 tỷ đồng tăng 17,9%, ước đến 31/12/2020 tăng 19% so với 31/12/2019.
    Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt đến 30/11/2020 đạt 24.212 tỷ đồng, tăng 5,4%; ước đến 31/12/2020 tăng 8% so với so với 31/12/2019. Nợ xấu toàn địa bàn là 352 tỷ đồng, chiếm 1,45% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, tăng cường các các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến 30/11/2020, đã có 1.318 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng dư nợ là 3.256,7 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm 975 triệu đồng tiền lãi của dư nợ gốc 302 tỷ đồng đối với 44 khách hàng; cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, thời hạn trả nợ cho 807 khách hàng với số tiền là 1.049,9 tỷ đồng; cho vay mới 717,3 tỷ đồng đối với 266 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện gia hạn nợ cho 37 khách hàng với số tiền là 1,36 tỷ đồng.
      3. Bảo Hiểm
Ước đến hết 31/12/2020, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) là 92.219 người; tổng số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) là 812.443 người (đạt 95,12% dân số toàn tỉnh); tổng số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 70.002 người. Công tác cấp số BHXH, BHYT, giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho các người tham gia kịp thời, đầy đủ; thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 42.106 lượt người và thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 978.550 lượt người. Thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 2.066 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch. Tăng cường đôn đốc các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT; tổng số nợ BHXH, BHYT ước tính đến 31/12/2020 là 28 tỷ đồng, chiếm 2,62% so với kế hoạch thu được giao. Tăng cường triển khai các giải pháp kiểm soát quỹ bảo hiểm; số tiền chi BHXH, BHYT, BHTN ước thực hiện trong năm 2020 là 3.083,8 tỷ đồng.
III/ Giá cả
Năm 2020 do ảnh hưởng bất thường của thời tiết có mưa đá trái mùa, cùng với đó là dịch bệnh viêm phổi cấp Convid – 19 nên nguồn cung về thực phẩm khan hiếm, giá cả nhiều loại lương thực, thực phẩm tăng mạnh; Dich tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn giảm đã đẩy giá thịt lợn tăng cao nhất trong lịch sử đây là nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019.
CPI bình quân năm 2020 tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với năm trước đó là: Nhóm ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,23%; nhóm giáo dục tăng 4,62%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,97%; nhóm nhà ở và VLXD tăng 1,64%; nhóm hóa và dịch vụ khác tăng 1,14%; nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 0,2%.
Có 5/11nhóm hàng hóa chỉ số giảm là: Nhóm giao thông giảm 9,96%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,42%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,45%; nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,36%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02%.
Chỉ số giá vàng: Chỉ số giá vàng bình quân năm 2020 tăng 27,85% so với cùng kỳ năm trước; giá vàng tháng 12 so với tháng 11/2020 giảm 0,92%; so với tháng 12/2019 tăng 29,78%. Giá vàng bán lẻ bình quân trong tháng trên địa bàn tỉnh ở mức 5.360.000đ/chỉ.
Chỉ số đô la Mỹ: Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2020 giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ tháng 12/2020 so với tháng 11/2020 tăng 0,25%; so với tháng 12/2019 giảm 0,42%. Bình quân 1USD = 23.700vnđ.
IV/ Xây dựng - Đầu tư phát triển
1. Xây Dựng
Giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 12.160.829 triệu đồng, tăng 7,53% với cùng kỳ năm 2019, thì mỗi loại hình kinh tế có mức tăng trưởng khác nhau và đều có những đóng góp nhất định vào kết quả sản xuất ngành xây dựng. Trong đó:
Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đóng góp 57,23% vào giá trị sản xuất của ngành xây dựng, GTSX ước đạt 6.959.343 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019 tăng 4,97%.
Khu vực xã/phường/thị trấn đóng góp 0,57% vào giá trị sản xuất của ngành xây dựng, GTSX ước đạt 68.982 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019 tăng 124,41%.
Khu vực hộ dân cư đóng góp 42,2% vào giá trị sản xuất của ngành xây dựng, GTSX ước đạt 5.132.504 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019 tăng 124,41%.
2. Vốn Đầu Tư
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2020 ước đạt 17.269,8 triệu đồng tăng 2.076,9 tỷ đồng (tăng 13,67) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn Nhà nước ước đạt 7.567,1 triệu đồng, tăng 1.479 tỷ đồng (tăng 24,29%) so với cùng kỳ năm trước; Vốn địa phương quản lý ước đạt 6.340,1 tỷ đồng tăng 1.286,2 tỷ đồng (tăng 25,45%) so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngoài Nhà nước ước đạt 528,8 tỷ đồng tăng 403,4 tỷ đồng (tăng 4,67%) so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 652,3 tỷ đồng tăng 194,5 tỷ đồng (tăng 42,49%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thực hiện trong năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước do khối lượng kế hoạch vốn năm 2020 tăng 1.727.865 triệu đồng (tăng 61%); năm 2020 có nhiều thuận lợi mưa ít, các dự án công trình đã được cấp vốn đầy đủ tạo điều kiện cho các nhà thầu, nhiều dự án trọng điểm đảm bảo nhanh tiến độ.
Các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 98 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,05 triệu USD và 72 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.397,87 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phát triển ổn định; đến nay, đã có 60 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
V/ Tình hình doanh nghiệp
Năm 2020 có 425 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 3.114 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 16,4%, số vốn đăng ký giảm 55,2%; 60 doanh nghiệp giải thể. Trong năm toàn tỉnh có 50 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác thành lập mới; giải thể 26 hợp tác xã ngừng hoạt động. Lũy kế đến cuối năm, toàn tỉnh có 387 hợp tác xã và 198 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt khoảng 3,24 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã đạt 402 triệu đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lao động thường xuyên làm việc trong các hợp tác xã đạt 21.600 người, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2019.
VI/ Nông - lâm nghiệp - Thuỷ sản
Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi xen lẫn khó khăn do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi làm cho năng suất thu hoạch một số cây trồng giảm riêng sản lượng gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định, sản xuất thủy sản năm 2020 tăng cao so với năm trước.
  1. Sản xuất nông nghiệp
a. Cây hàng năm
Cây lúa: Tính đến hết kỳ báo cáo tháng 11 đã kết thúc thu hoạch lúa mùa, cả năm 2020 gieo trồng đạt 37.588 ha, năng suất sơ bộ đạt 54,84 tạ/ha, sản lượng đạt 206.049 tấn. So với năm 2019 diện tích gieo trồng bằng 96,96%, năng suất bằng 103%, sản lượng bằng 99,84%.
Cây ngô: Lũy kế từ đầu năm diện tích ngô cả 3 vụ đã thu hoạch hết đạt 32.865 ha, sản lượng sơ bộ đạt 144.804 tấn, so với năm 2019 diện tích thu hoạch bằng 99,33%, sản lượng thu hoạch bằng 99,66%.
Cây khoai lang: Lũy kế từ đầu năm diện tích gieo trồng đạt 4.285 ha, năng suất sơ bộ đạt 57,06 tạ/ha, sản lượng sơ bộ đạt 24.446 tấn. So với năm 2019, diện tích bằng 97,25%, năng suất bằng 100,58%, sản lượng bằng 97,81%.
Cây mía: Lũy kế từ đầu năm diện tích gieo trồng đạt 7.638 ha, sản lượng sơ bộ đạt 239.954 tấn. So với năm 2019, diện tích bằng 86,88%, sản lượng bằng 106,38%.
Cây đậu tương: Cả năm 2020 diện tích gieo trồng và thu hoạch đạt 273 ha, sản lượng sơ bộ đạt 458 tấn, so với cùng kỳ năm 2019 diện tích bằng 105,56%, sản lượng bằng 107,36%.
Cây lạc: Diện tích gieo trồng và thu hoạch năm 2020 đạt 4.432 ha, sản lượng sơ bộ đạt 9.394 tấn; so với năm 2019 diện tích thu hoạch bằng 102,23%, sản lượng bằng 105,14%.
b. Cây lâu năm
Cây Cam: Diện tích hiện có ước đạt 4.813 ha, diện tích cho sản phẩm đạt 3.797 ha, sản lượng ước đạt 95.783 tấn. So với năm 2019 diện tích hiện có bằng 97,54%, diện tích cho sản phẩm bằng 113,73%, sản lượng bằng 111,18%.
Cây Bưởi: Diện tích hiện có ước đạt 5.206 ha, diện tích cho sản phẩm ước đạt 3.375 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 55.897 tấn. So với cùng kỳ năm 2019 diện tích hiện có bằng 107,72%, diện tích cho sản phẩm bằng 128,85%, sản lượng bằng 130,89%.
Cây xoài: Diện tích hiện có đạt 184 ha, sản lượng sơ bộ đạt 702 tấn. So với cùng kỳ năm 2019 diện tích giảm bằng 95,86%, sản lượng bằng 91,77%.
Cây Chuối: Diện tích hiện có sơ bộ đạt 1.150 ha, sản lượng sơ bộ đạt 15.936 tấn. So với cùng kỳ năm 2019 diện tích hiện có bằng 103,73%, sản lượng bằng 103,4%.
Cây nhãn, vải: Diện tích hiện có ước đạt 1.500 ha. So cùng kỳ năm 2019 diện tích bằng 99,75%.
Cây chè: Diện tích hiện có đạt 849 ha, trong đó diện tích chè búp là 759 ha, diện tích cho sản phẩm đạt 704 ha, sản lượng ước đạt 6.231,2 tấn, so năm 2019 diện tích chè bằng 101,94%.
c. Chăn nuôi
Số lượng đầu đàn gia súc, gia cầm: Năm 2020 chăn nuôi đại gia súc, gia cầm chủ yếu với mục đích cung cấp sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì sản xuất nông nghiệp không còn sử dụng nhiều trâu bò cày kéo. Tính đến thời điểm này tổng đàn trâu trên toàn tỉnh 115.528 con, tổng đàn bò là 85.015 con, tổng số lợn là 446.123 con, tổng đàn gia cầm 7.992,18 nghìn con. Nhìn chung tổng đàn đại gia súc, gia cầm tăng nhẹ. So với cùng kỳ năm trước đàn trâu bằng 100,03%, đàn bò bằng 100,3%, đàn lợn bằng 100,44%, đàn gia cầm bằng 105,54%. Hiện nay dịch tả lợn châu Phi các địa phương trong tỉnh đã được khống chế, trong tháng không có thiệt hại về lợn. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay có khoảng trên 900 con lợn bị chết và tiêu hủy, ước tính thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Ước tính năm 2020 sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 3.718 tấn; thịt bò đạt 3.033 tấn; thịt lợn đạt 59.701 tấn; thịt gia cầm đạt 23.271 tấn; sản lượng trứng các loại đạt 102.214 nghìn quả. So với cùng kỳ năm 2019 sản lượng thịt trâu bằng 101,38%; bò bằng 101,86%; lợn bằng 100,04%; gia cầm bằng 106,27%; sản lượng trứng gia cầm bằng 104,03%. Năm 2020 do dịch bệnh covid-19 giá bán của các loại gia súc, gia cầm cũng tăng cao nên sản lượng xuất chuồng tăng hơn so với  cùng kỳ năm trước. Hiện nay giá lợn hơi tại các địa phương dao động trong khoảng từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.
2. Sản xuất lâm nghiệp
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 73 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Trong đó, khoảng 20 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chiếm 27% diện tích rừng trồng hiện có; cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, khẳng định lợi ích kinh tế từ rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh trên 51%.
Trồng rừng: Tính đến nay toàn tỉnh trồng được 9.190 ha (bằng 144,95% kế hoạch trồng rừng của cả năm), so với cùng kỳ năm trước diện tích trồng mới tập trung bằng 103,33%.
Khai thác lâm sản: Hiện nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục khai thác gỗ, củi và các sản phẩm thu nhặt từ rừng. Trong tháng khai thác được 79.014 m3 gỗ các loại lũy kế từ đầu năm sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước đạt 546.024 nghìn m­­­3, so với cùng kỳ năm trước bằng 102,56%.
Hiện nay đời sống người dân được nâng cao nên sản lượng củi khai thác và thu nhặt được cũng không tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sơ bộ năm 2020 sản lượng củi khai thác đạt 292,3 nghìn ste, so với cùng kỳ năm trước bằng 102,76%.
Thiệt hại rừng: Năm 2020 công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm nên hạn chế được nhiều vụ chặt phá rừng. Trong năm không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.
3. Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch năm 2020 đạt 7.874 tấn. Trong đó: cá đạt 7.611 tấn, tôm đạt 98 tấn, thủy sản khác đạt 165 tấn. So với năm 2019 tổng sản lượng thủy sản bằng 103,44%, cá bằng 103,47%, tôm bằng 102,89%, thủy sản khác bằng 102,54%. Nhìn chung sản lượng thủy sản năm 2020 tăng so với năm trước nguyên nhân do năm 2020 năm có sự biến động lớn trong chăn nuôi, dịch tả lợn xuất hiện, thủy sản là loại thực phẩm thuộc nhóm thay thế cho các loại thực phẩm khác do vậy cả nuôi trồng thủy sản ao hồ và nuôi lồng bè đều phát triển khá.
VII/ Công nghiệp
Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 kéo dài (hai đợt) đã tác động xấu tới hoạt động sản xuất công nghiệp, bên cạnh đó hồ Hòa Bình khô hạn ảnh hưởng tới sản xuất điện của công ty thủy điện Hòa Bình. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 dự kiến tăng nhẹ so với năm 2019 (tăng 2,21%). Trong đó:
Ngành công nghiệp khai khoáng chỉ số ước tăng 4,51%. Nguyên nhân một số cơ sở sau thời gian nửa cuối năm 2019 và sang năm 2020 bị gián đoạn hoạt động do không đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, gần đây được hoạt động trở lại.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số ước giảm 2,57%. Ngành chịu sự ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 do phải giãn cách xã hội hạn chế tiếp xúc, giao thương bị đình trệ, sản phẩm sản xuất ra lưu thông chậm, tồn kho lớn.
Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện chỉ số ước tăng 6,25%. Ngành có công ty Thủy điện Hòa Bình là chủ lực, hoạt động sản xuất lệ thuộc vào tình hình thủy văn hồ Hòa Bình quyết định. Từ tháng 6/2020 trở đi mực nước bắt đầu được cải thiện.
Ngành công nghiệp cung cấp nước chỉ số ước giảm 0,94%. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, vì vậy lượng nước sạch tiêu thụ dùng trong kinh doanh giảm. Nên dự kiến sản lượng nước sạch cung cấp năm 2020 là 120.705 nghìn m3, so với năm 2019 giảm 1.468 nghìn m3, (giảm 1,24%).
VIII/ Vận tải, thương mại - dịch vụ
Tình hình hoạt động thương mại dịch vụ năm 2020 chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi.
1. Vận Tải
Năm 2020 hoạt động kinh doanh vận tải toàn tỉnh Hòa Bình giảm sút nặng, tăng trưởng âm, nguyên nhân 6 tháng đầu năm dịch covid-19 cách ly toàn xã hội doanh thu vận tải chỉ đạt 70,25% so với 6 tháng đầu năm 2019. Ước thực hiện doanh thu vận tải toàn tỉnh đạt 1.238.303 triệu đồng, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 9,8%. Trong đó:
Doanh thu vận tải hành khách ước thực hiện đạt 580.287 triệu đồng, khối lượng hành khách luân chuyển đạt 702.400 nghìn người.Km. So với năm 2019 doanh thu vận tải hành khách giảm 8,1%, khối lượng hành khách luân chuyển giảm 8,76%.
Doanh thu vận tải hàng hóa ước thực hiện đạt 629.585 triệu đồng, khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 306.755 nghìn tấn Km. So với năm 2019 doanh thu vận tải hàng hóa giảm 7,69%, khối lượng hàng hóa luân chuyển giảm 7,85%.
Doanh thu từ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 28.431 triệu đồng, so với năm 2019 giảm 52,15%./.
2. Thương Mại – Dịch vụ
Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 10.428.074 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2019. Trong đó, một số nhóm hàng dự tính có tốc độ tăng mạnh như: Nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng ước tính tăng 87,56%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước tính tăng 35,3%; nhóm hàng hóa khác ước tính tăng 13,93% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2020 với nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn.
Doanh thu bán buôn hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 13.648.226 triệu đồng, tăng 12,76% so với năm 2019. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có tốc độ tăng mạnh nhất ước tính tăng 22,17%; nhóm hàng gỗ vật liệu xây dựng ước tính tăng 20,1%; nhóm hàng đá quý, kim loại quý và các sản phẩm liên quan ước tính tăng 15,75% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2020 ước đạt 1.477.993 triệu đồng, giảm 6,06% so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid- 19 thực hiện giãn cách xã hội. Doanh thu dịch vụ khác ước tính năm 2020 đạt 543.035 triệu đồng tăng 7,35% so với năm 2019.
IX/ Một số vấn đề Xã hội
1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư
Dân số: Tình hình dân số trong các năm qua ổn định, không biến động nhiều do thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và biến động cơ học không lớn. Dân số trung bình năm 2020 của tỉnh Hòa Bình 861.216 người tăng 0,83% so với năm 2019, trong đó dân số nam 432.761 người chiếm 50,25%, dân số nữ 428.455 người chiếm 49,75%, dân số thành thị 205.407 người, chiếm 23,85%; nông thôn 655.809 người, chiếm 76,15%.
Mật độ dân số của tỉnh năm 2020 đạt 187,61 người/km2.
Lao động việc làm: Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh: Kết quả giải quyết việc làm trong năm đạt 100% kế hoạch đề ra với 16.000 lao động động làm việc trong nước và 69 lao động xuất khẩu làm việc tại nước ngoài. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm còn 59%, Tỷ lệ thất nghiệp 2,6%.
Trước tình hình ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đến nay xác nhận 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động của 69 doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đã có 4.183 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó đã thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 3.932 người với tổng số tiền chi trả là 45,75 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ cho 23 lao động tạm nghỉ việc, 855 hộ kinh doanh và 145 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, 4.320 lao động tự do với tổng số kinh phí là 5,393 tỷ đồng.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 là 557.584 người, tăng 1.111 người so với năm 2019; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 534.48 người, giảm 18.935 người.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Đời sống các tầng lớp dân cư trong địa bàn tỉnh năm 2020 được cải thiện. Trong dịp tết Nguyên đán các đối tượng khó khăn được hỗ trợ, được nhận quà tết, có 41.336 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí 18,63 tỷ đồng, trong đó: Quà từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 24.771 hộ nghèo (giảm 782 hộ so với cùng kỳ năm 2019), mức hỗ trợ là 350.000 đồng/hộ với tổng kinh phí bằng 8,67 tỷ đồng (tăng 16,7%) so với cùng kỳ năm 2019. Chương trình tín dụng ưu đãi tiếp tục được đẩy mạnh; đã có 4.339 lượt hộ nghèo, 4.207 lượt hộ cận nghèo, 2.242 lượt hộ mới thoát nghèo,... được vay vốn với tổng số tiền là 721,86 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.
Theo báo cáo sơ bộ của Hội chữ thập đỏ thực hiện phong trào tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Dioxin toàn tỉnh đã vận động và tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân để tặng 16.500 hộ, với tổng trị giá 9,96 tỷ đồng, trong đó riêng Quỹ Thiện Tâm tập đoàn đoàn VINGROUP tặng 2.854 xuất quà trị giá 1,7 tỷ đồng.
2. Hoạt động văn hóa thể thao và du lịch
Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; Phong trào tập luyện thể dục, thể thao gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển trong toàn tỉnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Số người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 33,4%; số hộ gia đình thể thao đạt 25,4%. Chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức 53 giải thể thao cấp huyện; 295 giải thể thao cấp xã có hơn 55.156 lượt vận động viên tham gia. Tổ chức thành công 05 giải thể thao cấp tỉnh;  phối hợp tổ chức  08 giải các ngành, đoàn thể . Tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020. Mở 01 lớp cứu đuối cho nhân viên cứu hộ của các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi, lặn trên địa bàn tỉnh; 01 lớp bồi dưỡng công tác quản lý phát triển thể dục thể thao cơ sở năm 2020. Triển khai Kế hoạch khảo sát thực trạng thể thao trường học, thể chất và sức khỏe học sinh tại huyện Tân Lạc, Đà Bắc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy và Thành phố Hòa Bình, năm 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, thẩm định, hướng dẫn các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh  chấp hành nghiêm các quy định của Luật Du lịch, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tư, an toàn cho khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thẩm định và công nhận 50 cơ sở lưu trú, trong đó có 08 khách sạn và 42 nhà nghỉ, Homestay đạt tiêu chuẩn phục khách du lịch; đổi 03 thẻ Hướng dẫn viên du lịch (01 quốc tế; 2 nội địa). Năm 2020, Hòa Bình  ước đón 1,855 triệu lượt khách, bằng 57% so với cùng kỳ năm trước, bằng 56% kế hoạch năm (trong đó, khách quốc tế 200 nghìn lượt, giảm 50,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 40% kế hoạch năm; khách nội địa 1.655 nghìn lượt, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 59% kế hoạch năm); tổng doanh thu ước đạt 1.475 tỷ đồng, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
3. Giáo dục
Năm học 2019-2020, tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non, đến giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp đều đạt được những thành tích tốt. Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững. Đã huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 75,8%; trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Chất lượng hai mặt giáo dục tiếp tục được củng cố vững chắc; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 100%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,88%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 95,15%.
Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học luôn được chú trọng. Trong năm học, đã thực hiện sáp nhập 45 trường tiểu học, 40 trường trung học cơ sở, 02 trường trung học và trung học cơ sở thành 42 trường trung học và trung học cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh có 539 trường học, giảm 50 trường so với năm học 2018-2019.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường tiếp tục được quan tâm. Toàn ngành hiện có 8.431 phòng học khối các trường mầm non, phổ thông, trong đó có 7.136 phòng kiên cố, 708 phòng học bán kiên cố, phòng tạm; ngoài ra có phòng học bộ môn các loại, thư viện, nhà đa năng; phòng công vụ giáo viên, phòng ở nội trú học sinh,... Có 284 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, đạt 54,1%; trong đó: 125 trường mầm non, đạt 56,31%; 31 trường tiểu học, đạt 88,57%; 116 trường THCS, TH&THCS, PT DTNT, đạt 52,73%; 12 trường THPT, đạt 25%.
4. Y tế
Ngành Y tế đã thực hiện tốt hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt chế độ thường trực 24/24, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đội ngũ cán bộ y tế luôn thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật, đồng thời chú trọng nâng cao tinh thần thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hướng dẫn các đơn vị y tế trong ngành công tác điều trị, cách ly và quản lý người bệnh, người nghi nhiễm, người tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19; tổ chức triển khai quy trình khám bệnh một chiều, tổ chức sàng lọc, phân luồng bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho trạm y tế xã, phường thị trấn trong toàn tỉnh.
5. Đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn
Tình hình an ninh chính trị ổn định, thường xuyên nắm tình hình, đảm bảo an ninh tại các vùng dân tộc, tôn giáo và quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến công tác phòng, chống phản động, an ninh trật tự, không để xảy ra “điểm nóng”; tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp, đối tượng có hành vi đăng tải, chia sẻ những bài viết có nội dung xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước trên Internet và hoạt động truyền đạo trái phép. Công tác kiểm tra phòng chống cháy nổ, quản lý vũ khí được được tăng cường. Tổ chức phân công lực lượng, chia thành các ca kíp cụ thể để duy trì bảo đảm quân số thường trực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch Covid-19.
Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ: Theo báo cáo sơ bộ từ đến 15/12/2020 trên địa bàn tỉnh có 08 vụ cháy nổ làm thiệt hại 739 triệu đồng; 12 vụ vi phạm môi trường xử phạt 1.056,5 triệu đồng.
Tai nạn giao thông: Theo báo cáo sơ bộ từ đầu năm đến ngày 15/12/2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 87 vụ tai nạn giao thông, làm chết 61 người và làm bị thương 67 người.
IX/ Đề xuất giải pháp
* Khó khăn, hạn chế:
Kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như:
Sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn; trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi; năng lực cạnh tranh nông sản thấp, nhất là khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu; công tác dự báo thị trường hạn chế nên sản xuất vẫn gặp rủi ro do biến động giá. Giá bán một số sản phảm cây ăn quả chủ lực của tỉnh như: bưởi, cam..giảm sâu so với năm 2019.
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, công tác quy hoạch các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải điều chỉnh lại theo địa giới hành chính mới, đồng thời phải tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng, một số tiêu chí ở các xã không duy trì được kết quả đạt chuẩn.
Lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp đã ảnh hưởng đến công suất phát điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Vẫn còn xảy ra hiện tượng ngừng giảm mức cung cấp điện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Các lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ như du lịch, tổng mức bán buôn bán lẻ, vận tải... đều không đạt so với kế hoạch đã đề ra.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn (đã có 60 doanh nghiệp giải thể); một số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất, cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu lao động.
* Nguyên nhân:
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn có những diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội của tỉnh thì nguyên nhân chủ quan là:
Nội tại kinh tế của tỉnh còn yếu, nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế trong khi nhu cầu vốn để đầu tư phát triển là rất lớn nên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, tính cụ thể, quyết liệt ở một số ngành, địa phương, đơn vị chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc công việc của lãnh đạo ở một số sở ngành, địa phương chưa thật thường xuyên.
Trong quản lý chỉ đạo điều hành, sự phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chủ động, quyết liệt; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số ngành, địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc, kịp thời, gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
* Định hướng năm 2021
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2021 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9% trở lên. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng thời quan tâm phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế và các ngành, lĩnh vực; tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội.
 
 
Website ngành Thống kê
Website Sở ban ngành
Thống kê truy cập
 Đang online: 5
 Hôm nay: 72
 Tuần hiện tại: 1,552
 Tháng hiện tại: 12,269
 Tất cả: 298,973
Địa chỉ CTK Hòa Bình